BÀI 28: NẤM (KHOA HỌC TỰ NHIÊN 6- CHÂN TRỜI SÁNG TẠO)

 


1.ĐẶC ĐIỂM CỦA NẤM

Hoạt động 1: Thực hành quan sát một số loại nấm

1.Gọi tên một số nấm thường gặp trong đời sống.

Nấm rơm, nấm hương, nấm kim châm, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi, …

2.Vẽ sợi nấm mốc và một số loại nấm lớn mà em quan sát được.

Yêu cầu: vẽ mô phỏng được sợi nấm mốc và phác hoạ được nấm rơm, nấm hương.

Hoạt động 2: Tìm hiểu sự đa dạng của nấm

3.Quan sát hình 28.1, hãy nhận xét về hình dạng của nấm.

Hình dạng của nấm đa dạng: hình bầu dục, hình cốc, hình mũ, hình sợi, …

4.Quan sát hình 28.1, em hãy phân biệt nấm túi và nấm đảm. Các loại nấm em quan sát ở hoạt động thực hành thuộc nhóm nấm đảm hay nấm túi?

Có thể phân biệt nấm túi và nấm đảm dựa vào cơ quan sinh sản là bào tử. Nấm túi có túibào tử, trong khi nấm đảm có đảm bào tử.

Trong bài thực hành, nấm đảm gồm có nấm hương, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm độc đỏ, nấm sò, …; nấm túi gồm có nấm mốc, nấm cốc, nấm bụng dê, …

5.Quan sát hình 28.1, 28.2, hãy chỉ ra điểm khác biệt giữa cấu tạo cơ thể nấm độc và các loại nấm khác.

Nấm thường được sử dụng làm thức ăn: nấm hương, nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm bụng dê.

Nấm không nên ăn: nấm mốc cà chua (có thể gây đau bụng hoặc ngộ độc khi ăn phải). Nấm độc: nấm độc đỏ, nấm độc tán trắng.

Cấu tạo chung của nấm gồm có mũ nấm, cuống nấm và sợi nấm. Nấm độc có thêm một số bộ phận như vòng cuống nấm, bao gốc nấm và thường có màu sắc sặc sỡ.

6.Đặc điểm cấu tạo tế bào nấm men có gì khác với cấu tạo tế bào của các loài nấm còn lại? Từ đó, em hãy phân biệt nấm đơn bào và nấm đa bào.

Nấm men có cơ thể cấu tạo chỉ gồm 1 tế bào nên gọi là nấm đơn bào; các loài nấm còn lại trong hình 28.1 có hệ sợi nấm cấu tạo từ nhiều tế bào nên được gọi là nấm đa bào.

Nấm đơn bào chỉ có một tế bào. Nấm đa bào có hệ sợi nấm đa bào.

Luyện tập

* Em hãy xác định môi trường sống của một số nấm bằng cách hoàn thành bảng theo mẫu.

Đáp án:

Tên nấm

Môi trường

Nấm rơm

Rơm rạ

Nấm mộc nhĩ

Thân cây gỗ mục, môi trường ẩm

Nấm mốc

Quần áo, tường ẩm, đồ dùng, trên cơ thể sinh vật, …

Nấm cốc

Thân cây mục

Nấm độc tán trắng

Trong rừng những nơi môi trường ẩm


* Kể tên một số loài nấm ăn được mà em biết.

Nấm rơm, nấm kim châm, nấm hương, nấm sò, nấm mộc nhĩ, …

2.VAI TRÒ CỦA NẤM

Hoạt động 3: Tìm hiểu vai trò của nấm trong tự nhiên và trong thực tiễn

7.Quan sát hình 28.3, em hãy nêu vai trò của nấm trong tự nhiên.

Nấm có vai trò phân huỷ xác sinh vật (thực vật, động vật), làm sạch môi trường.

8.Từ thông tin gợi ý trong hình 28.4, em hãy nêu vai trò của nấm đối với đời sống con người.

Nấm được sử dụng làm thức ăn: nấm rơm, nấm hương, nấm mộc nhĩ, …

Nấm được sử dụng làm tác nhân lên men trong ủ nguyên liệu sản xuất rượu, bia, bánh mì, …: nấm men.

Nấm được sử dụng làm thực phẩm chức năng bổ dưỡng cho cơ thể: nấm linh chi, nấm vân chi.

Nấm được sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học: một số loài nấm có khả năng kí sinh trên cơ thể sâu làm ngừng trệ các quá trình sống của sâu.

Luyện tập

* Hãy kể tên một số nấm có giá trị trong thực tiễn.

Nấm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên nhiều loài nấm được dùng làm thức ăn như nấm hương, nấm rơm, nấm bụng dê, nấm sò, nấm kim châm, …

Trong sản xuất rượu, bia có nấm men tham gia vào quá trình lên men rượu, bia.

Trong làm bánh mì có nấm men nở tham gia quá trình làm cho bột có độ tơi, xốp và nở to.

Hoạt động 4: Tìm hiểu một số bệnh do nấm gây ra

9.Quan sát hình 28.5, hãy kể tên một số bệnh do nấm gây ra. Các bệnh đó có biểu hiện như thế nào?

Tên bệnh do nấm

 

Bệnh nấm da tay

Trong lòng bàn tay có những mảng da đỏ, có vảy, ngứa, nhức.

 

Bệnh viêm phổi do nấm

Sốt cao, ho khan, đau tức ngực.

Bệnh nấm mốc cá 

Da tróc vảy, xuất hiện mảng mốc trắng trên vảy tróc; cá bơi lội bất thường, thỉnh thoảng nhảy cao lên khỏi mặt nước.

Bệnh mốc xám ở dây tây

Trên vỏ quả xuất hiện đám mốc trắng chuyển dần màu xám; quả bị khô.

 


10.Từ thông tin gợi ý trong hình 28.6, hãy nêu con đường lây truyền bệnh do nấm gây ra.

Nấm mốc thường xuất hiện khi thời tiết ẩm, do đó con người tiếp xúc với đối tượng bị nhiễm hoặc nơi đã có nấm mốc sẽ bị lây nhiễm. Một số con đường có thể làm lây truyền bệnh do nấm như:

− Tiếp xúc trực tiếp với đối tượng bị nhiễm nấm mốc như tiếp xúc với vật nuôi hay người bị nhiễm nấm;

−Dùng chung đồ với người bị nhiễm nấm mốc;

−Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; bụi, đất chứa nấm gây bệnh.

Luyện tập

* Từ các con đường truyền bệnh do nấm gây ra, em hãy nêu một số biện pháp phòng tránh các bệnh thường gặp do nấm.

Một số biện pháp phòng tránh các bệnh thường gặp do nấm:

−Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh, nguồn bệnh, đặc biệt nơi môi trường ẩm mốc;

−Bảo hộ an toàn khi tiếp xúc với người bị nhiễm nấm hoặc khử trùng sau khi tiếp xúc với môi trường không an toàn với nấm mốc;

−Không dùng chung đồ với người bị bệnh nấm, hoặc với người khác. Quần áo sau khi mặc cần được giặt ngay, tránh treo trên giá sau đó vài ngày đưa ra mặc lại;

−Vệ sinh cơ thể đúng cách, đúng thời điểm, an toàn;

−Vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Qua thảo luận các nội dung hoạt động 3, hoạt động 4, GV gợi ý HS rút ra kết luận về vai trò của nấm đối với tự nhiên, thực tiễn và kết luận về nấm gây bệnh.

GV hướng dẫn HS đọc thêm về nấm mốc và penicillin trong SGK.

3.KĨ THUẬT TRỒNG NẤM

Hoạt động 5: Tìm hiểu kĩ thuật trồng nấm rơm

11.Tại sao người ta không trồng nấm trên đất mà phải trồng trên rơm, rạ?

Nấm rơm có thể trồng trên nền đất khác nhau như đất ruộng, rẫy, vườn cây,

… hoặc trong nhà nhưng phải thoát nước tốt, không bị đọng. Nơi trồng ít chịu ảnh hưởng của gió mạnh.

Nấm rơm thường mọc trên các giá thể ẩm nên thường được trồng trên rơm, rạ để dễ chăm sóc, dễ xử lí bệnh, khi chăm sóc tưới nước không bị ứ đọng gây hỏng nấm.

12.Có ý kiến cho rằng: “Môi trường trồng nấm rơm tốt nhất gần địa điểm có chăn nuôi gia súc, gia cầm”. Theo em ý kiến trên đúng hay sai? Giải thích.

Ý kiến trên hoàn toàn sai. Giải thích:

Những địa điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm thường có chất thải, nguồn gió tạo nên mùi khó chịu hoặc mầm bệnh (vi khuẩn) từ chuồng trại có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của nấm.

Những địa điểm có chăn nuôi gia súc, gia cầm thường dễ bị ô nhiễm, khuôn viên mất vệ sinh, ẩm thấp là điều kiện lí tưởng cho nấm mốc, các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển; từ đó làm giảm năng suất và chất lượng của nấm.

Môi trường trồng nấm phải đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, cao ráo, bằng phẳng, không bị ngập úng; tránh những nơi chăn nuôi, khu vực có chất thải, nước thải sinh hoạt. Lưu ý tưới nấm bằng nguồn nước sạch như nước sông, mương, nước giếng khoan, …; tránh tưới bằng nước nhiễm phèn, mặn hoặc bị ô nhiễm, hôi thối.

Vận dụng

* Nấm men được ứng dụng trong những lĩnh vực nào của đời sống con người?

Nấm men được dùng phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống như sản xuất bia, bánh mì, lên men rượu, …

− Nấm men được ứng dụng trong nước tương, nước mắm: Khi sản xuất nước tương, nước mắm, có thêm thành phần nấm men được chiết xuất sẽ giúp làm dịu đi vị chát của muối và loại bỏ mùi tanh khó chịu của cá. Từ đó mang lại hương vị nước mắm, nước tương thơm ngon hơn. Nước mắm sẽ tròn vị và rất đậm đà.

−Nấm men được ứng dụng trong sản xuất mì gói: Nấm men khi dùng để ăn với mì gói sẽ tạo cảm giác tô mì thơm ngon, ngọt nước hơn.

−Nấm men ứng dụng trong sản xuất hạt nêm: Trong quá trình sản xuất hạt nêm, nấm men được bổ sung từ 1 đến 5% giúp cho vị ngọt của đạm trong hạt nêm tăng lên đáng kể. Chiết xuất của nấm men còn có thêm chức năng làm tròn vị trong sản phẩm.

−Nấm men dùng để sản xuất các loại bánh: Trong sản xuất các loại bánh, nấm men không thể thiếu trong quá trình lên men. Một lượng nấm men phù hợp làm bánh mì có vị ngon, thơm hơn hơn.

HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP

1.Có thể dựa vào một số đặc điểm để phân biệt nấm đơn bào và nấm đa bào, nấm đảm và nấm túi, nấm độc và nấm không độc.

−Phân biệt nấm đảm và nấm túi: Dựa vào đặc điểm cơ quan sinh sản của nấm, ta có thể phân biệt nấm đảm có đảm bào tử (ví dụ nấm hương) và nấm túi có túi bào tử (ví dụ nấm mốc).

−Phân biệt nấm ăn được và nấm không ăn được: Dựa vào đặc điểm cấu tạo cây nấm, ta có thể sơ bộ phân biệt nấm độc và nấm ăn được: Nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc),

đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Nấm không độc thường thiếu một số thành phần trên cây nấm như chân nấm, cổ nấm (nấm rơm).

−Phân biệt nấm đơn bào và nấm đa bào: Dựa vào cấu tạo tế bào, ta có thể phân biệt nấm đơn bào và nấm đa bào. Nấm đơn bào (ví dụ nấm men) cơ thể chỉ có 1 tế bào, nấm đa bào (ví dụ nấm mốc) có hệ sợi nấm được cấu tạo từ nhiều tế bào.

2.Nấm mốc thường xuất hiện khi thời tiết ẩm, nồm. Vị trí xuất hiện nấm mốc trong gia đình: góc nhà ẩm, quần áo mặc treo lâu ngày, thức ăn để lâu không được bảo quản đúng cách.

3.Biện pháp phòng chống bệnh do nấm gây nên trên da người:

−Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh;

−Vệ sinh cơ thể, rửa tay đúng thời điểm;

−Thay quần áo ngay khi đi làm về hoặc ngay sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nghi ngờ có nguồn bệnh;

−Vệ sinh môi trường, giữ cho môi trường thông thoáng, sạch sẽ.

*THỰC HÀNH VẼ NẤM 

các em có thể tham khảo cách vẽ sau: 

https://www.youtube.com/watch?v=92qFCiloK6c




Comments

Post a Comment